Tây Bắc là khu vực miền núi hiểm trở, hạ tầng giao thông chưa phát triển đồng bộ, nên giá trị bất động sản tại khu vực này vẫn ở mức rất thấp. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới đây, nhiều dự án hạ tầng được đầu tư xây dựng cũng sẽ là nhân tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản ở nhiều địa phương trong khu vực này.
Khu vực miền núi Tây Bắc luôn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của nước ta, cả về an ninh, quốc phòng. Khu vực Tây Bắc gồm 6 địa phương là: Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Đây là khu vực sinh sống của khoảng hơn 11,6 triệu người thuộc 30 dân tộc anh em. Có tổng diện tích tự nhiên khoảng 115.153,4 km2, chiếm 35% tổng diện tích cả nước.
Trong những năm vừa qua, nước ta đã giành khá nhiều nguồn lực để đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực vùng Tây Bắc. Đồng thời, nhờ sự tiến bộ về đa dạng hóa nguồn vốn kết hợp đầu tư cũng như áp dụng công nghệ mới, với những cách làm sáng tạo, trong việc triển khai xây dựng cũng đã góp phần đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công tác đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông khu vực này. Theo đó, trong giai đoạn vừa qua cũng đã xây dựng, nâng cấp và sửa chữa được hơn 1.916 km tuyến đường bộ, khoảng 296 km đường sắt và 115 km đường thủy nội địa. Vậy nên tổng khối lượng vận tải của khu vực Tây Bắc đã đạt trên 404 triệu lượt khách và khoảng 506 triệu tấn hàng hóa, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt trên 5,5%/năm với lĩnh vực vận tải hành khách và khoảng hơn 10%/năm đối với dịch vụ vận tải hàng hóa.
Trong đó, hàng nghìn km quốc lộ cũng đã được nâng cấp, đầu tư xây mới, để thuận tiện di chuyển cùng việc kết nối giao thương vùng tốt hơn. Nhiều dự án đường cao tốc như Hà Nội – Yên Bái – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Bắc Giang đã được triển khai xây dựng, đưa vào vận hành, khai thác … Nhờ đó, khu vực Tây Bắc đang dần thu hút những doanh nghiệp lớn và kéo theo thị trường bất động sản sôi động hơn, nơi đây đang trở thành “miếng bánh ngon” cho những ông lớn ngành địa ốc có tầm nhìn tìm về để đầu tư. Theo đó, đã có nhiều dự án lớn đang triển khai tại tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, …, trong đó có cả những dự án bất động sản công nghiệp lẫn dự án bất động sản nghỉ dưỡng và dự án nhà ở thương mại, đã góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo của những địa phương khu vực nói trên cũng như của chung cả vùng Tây Bắc.
Ngoài ra, hiện nay, khu vực Tây Bắc đang được quy hoạch thêm một số dự án hạ tầng giao thông phải kể đến như dự án Cảng hàng không Sapa theo hướng xây dựng đô thị sân bay ở Lào Cai, dự án mở rộng sân bay Điện Biên, ‘chắp cánh’ kinh tế vùng Tây Bắc và cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu và Mộc Châu – TP Sơn La… Đây là những trong tương lai sẽ giúp việc lưu thông trên khu vực này trở nên dễ dàng hơn, qua đó là đòn bẩy giúp bất động sản khu vực này “tăng tốc”.
Tây Bắc là vùng đất sở hữu nhiều nguồn tiềm năng du lịch lớn nhất cả nước với thiên nhiên kỳ vĩ, nhiều nét văn hóa đặc sắc và là khu vực có lịch sử hào hùng. Được thiên nhiên ban tặng những vẻ đẹp rất hùng vĩ, riêng có về địa hình, khí hậu cũng như địa chất và cảnh quan cùng với hệ sinh thái đa dạng, nên Tây Bắc luôn có sức hấp dẫn về du lịch khá đặc biệt. Nói đến Tây Bắc chúng ta không thể không kể đến đỉnh Fansipan nơi được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, cũng là nơi có niềm khát khao chinh phục đối với rất nhiều người, Thị trấn SaPa nơi có mây bay lượn với khí hậu mát mẻ quanh năm, cùng Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Căng Chải là những khu ruộng bậc thang rất nổi tiếng và đặc biệt là Hồ Pá Khoang rộng lớn nằm giữa vùng thiên nhiên có cảnh đẹp khá hùng vĩ, với thảm thực vật phong phú cùng khí hậu ôn hòa.
Bên cạnh đó, có rừng Mường Phăng – một trong những khu bảo tồn tự nhiên với rất nhiều loại động thực vật quý hiếm ở tỉnh Điện Biên, Thung lũng Mai Châu với sắc màu của cây cỏ, đồng lúa và đan xen với những ngôi nhà nhỏ; Cao nguyên Mộc Châu rộng lớn tươi đẹp với các loài hoa nở rất nhiều, vùng núi Tây Bắc nơi có nhiều loại hoa đặc trưng như: hoa ban, hoa mận, hoa dã quỳ, hoa đào, hoa tam giác mạch… Nơi đây có những nét đẹp không đâu có của núi rừng và những nét văn hóa đặc sắc Tây Bắc luôn thu hút lữ khách lên đường rời xa những đô thị sôi động, đầy khói bụi và ô nhiễm.
Có thể thấy dư địa để phát triển phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Tây Bắc là rất lớn, những đô thị du lịch sầm uất trong tương lai sẽ được nhiều nhà đầu tư và phát triển bất động sản trong và ngoài nước tìm về. Ông Lại Quốc Tĩnh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Giang cho biết, thời gian qua, tỉnh Hà Giang cũng đã nhiều lần làm việc với những tập đoàn lớn về việc quy hoạch phát triển một số dự án đô thị du lịch tại khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn, hoặc nhiều khu vực khác.
Ông Tĩnh cho biết, có nhiều tập đoàn lớn đã được tỉnh chấp nhận chủ trương đầu tư như: Tập đoàn Nam Cường với hàng loạt dự án khu du lịch nghỉ dưỡng ở khu vực Sông Nho Quế, tập đoàn Bitexco cũng sẽ thực hiện một số dự án du lịch lớn trên địa bàn tỉnh. Cùng với những cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, những nét văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc là điểm nổi bật trong tài nguyên về du lịch nơi đây. Tây Bắc là nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống nhất như Tày, Thái, Nùng, Mường, Dao, Mông, Kinh, Hoa, Khơ Mú, Hà Nhì, Kháng, Phù Lá, La Hủ, Bố Y,Si La, Mảng, Giáy, Pà Thẻn, Phù Lá, Xơ Đăng, Lô Lô, La Chí…
Với những không gian văn hóa rộng lớn và rất phong phú. những nét đặc trưng, khác biệt hẳn so với những khu vực khác với thịt trâu gác bếp, thắng cố, gà mọ, cá suối nướng úp, nộm da trâu… là những tiềm năng du lịch hấp dẫn cho khách du lịch khám phá và trải nghiệm ẩm thực. Hiện nay, chính quyền địa phương các tỉnh Tây Bắc đang hết sức nỗ lực để phối hợp, liên kết đầu tư nhằm xây dựng những sản phẩm du lịch mới có khả năng hấp dẫn, giúp du khách được trải nghiệm.
Như vậy, để giải được bài toán đầu tư, các địa phương khu vực này phải linh hoạt mở cửa đón nhà đầu tư vào phát triển các dự án giàu tiềm năng như du lịch nghỉ dưỡng, có như vậy thì tốc độ đô thị hóa mới được nhanh chóng phát triển. Giới chuyên gia cho rằng, các địa phương ở Tây Bắc nên coi việc phát triển hoạt động du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, du lịch văn hóa – trải nghiệm mới, được xem là chủ trương đúng đắn cũng là giải pháp để các địa phương khu vực này tạo nét riêng, độc đáo nhằm thu hút du khách và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Cùng với sự lột xác về cơ sở hạ tầng giao thông, những tiềm năng của ngành du lịch chỉ riêng nơi đây có được, vùng Tây Bắc đang dần trở thành một trong những địa điểm đầu tư mới đầy tiềm năng trên bản đồ của thị trường Bất động sản Việt Nam.