Để thị trường bất động sản phát triển theo xu hướng tích cực, an toàn, lành mạnh và bền vững, các doanh nghiệp bất động sản hiện nay cần có phương án cơ cấu, kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ suất. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên chủ động tìm hiểu, tiếp cận chương trình phục hồi. Đặc biệt, phục hồi xanh, tăng trưởng xanh bởi bất động sản xanh đang là xu thế mới.
Theo nhận định của giới chuyên gia, bất động sản Việt Nam đang nằm trong giai đoạn đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn do nền kinh tế thế giới nói chung, nền kinh tế Việt Nam nói riêng đang chịu những tác động tiêu cực của chiến tranh, lạm phát, khủng hoảng kinh tế thế giới đang cận kề và lan rộng.
Bên cạnh đó, việc nguồn vốn tín dụng đổ vào thị trường nhà đất bị siết chặt đã khiến cả giới đầu tư cùng người mua nhà phải chịu những ảnh hưởng nặng nề, do trước đó không có sự chủ động trong vấn đề tài chính.
Đánh giá thị trường thời gian qua, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV phân tích, từ tháng 3 đến nay, nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng trải qua rất nhiều biến động, khó khăn. Hiện nay, thị trường của chúng ta đang trải qua thời kỳ nhiều thách thức và nhiều cơ hội.
“Vai trò của thị trường bất động sản là không thể phủ nhận, đây là cầu nối của khoảng 35 ngành nghề và lĩnh vực liên quan. Đồng thời, đây cũng là yếu tố quan trọng đóng góp GDP vào nền kinh tế, thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước”, ông Lực nói thêm.
Liên quan đến nguồn vốn bất động sản, TS. Lực chia sẻ, nguồn vốn đầu tư vào thị trường bất động sản năm 2022 chủ yếu đến từ 4 nguồn, bao gồm: Vốn tín dụng bất động sản, tính đến tháng 8/2022, tổng dư nợ tín dụng bất động sản rơi vào khoảng 2,4 triệu tỷ đồng; Vốn tư nhân, hết tháng 10/2022, tổng số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới là 7.725 doanh nghiệp, vốn đăng ký 414.000 tỷ đồng; vốn FDI, hết tháng 9/2022, tổng vốn đăng ký mới vào bất động sản đạt gần 3,5 tỷ USD; phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hết tháng 9/2022, toàn thị trường phát hành 259.000 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp bất động sản phát hành 50.000 tỷ đồng.
“Bất động sản giai đoạn 2022-2023 đứng trước nhiều thách thức như: Nguồn cung còn khan hiếm, chưa thể bổ sung nguồn cung mới trong thời gian ngắn; giá năng lượng, nguyên vật liệu liên tục tăng nhanh và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn trong thời gian kiểm soát; mặt bằng giá bất động sản vẫn trên đà tăng; thể chế sửa đổi”, vị Chuyên gia nhấn mạnh.
Trước những thách thức vừa nêu, TS. Lực cho rằng, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần cơ cấu lại, kiểm soát rủi ro từ dòng tiền, lãi suất, tỷ suất. Chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình phục hồi. Đặc biệt, phục hồi xanh và tăng trưởng xanh bởi bất động sản xanh đang là xu thế phát triển của thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần chủ động trong việc tìm phương án trong việc chuyển đổi số, đón đầu các xu hướng mới. Tập trung thích ứng, quản lý thay đổi, quản lý rủi ro… đây là vấn đề tất yếu.
Trong bối cảnh toàn thế giới đang cùng nhau thực hiện cam kết liên quan đến biến đổi khí hậu, tăng trưởng bền vững hay tăng trưởng xanh đều đã trở thành xu thế tất yếu. Tại Việt Nam, cách đây gần 1 năm, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Dưới góc nhìn thực tế, hiện nay, xây dựng và bất động sản là hai ngành có mức phát thải CO2 lớn nhất trên toàn cầu. Theo báo cáo Global Status Report for Buildings and Construction 2021 cho thấy, trong năm 2020, xây dựng và bất động sản chiếm tới 36% mức tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu, đồng thời 2 ngành này cũng là nguyên nhân của 37% tổng lượng phát thải CO2 liên quan đến sử dụng năng lượng. Đáng chú ý hơn, trong tổng lượng khí thải phát ra, các hoạt động vận hành tòa nhà là nguyên nhân của 27% tổng lượng phát thải CO2 hàng năm.
Đánh giá về vấn đề này, ông Troy Griffiths – Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam phân tích, bất động sản là lĩnh vực đặc thù, nó là ngành tác động mạnh mẽ nhất đến khía cạnh môi trường trong các yếu tố: Môi trường -xã hội – quản trị. Theo, mọi doanh nghiệp niêm yết tại thị trường Việt Nam, ở bất kỳ sở giao dịch chứng khoán nào, đều phải có báo cáo bắt buộc về các yếu tố trên.
Theo ông Troy Griffiths, lượng khí thải tại các tòa nhà cao tầng thường rất lớn, do đó hầu hết dự án phát triển đều đòi hỏi phải có chứng chỉ về môi trường, xã hội, quản trị hoặc đáp ứng các tiêu chuẩn của môi trường. Gần đây, rất nhiều công trình, tòa nhà mới đều được phát triển để đủ điều kiện nhận chứng chỉ xanh hoặc môi trường, bao gồm cả các dự án khu công nghiệp.
Theo đó, với những thay đổi trong chính sách và ý thức về chất lượng môi trường sống và các yếu tố như an toàn môi trường hay không gian xanh đang dần trở thành tiêu chí đánh giá hàng đầu của các dự án mới. Do vậy, nếu không thích nghi được với thị hiếu toàn cầu này, các tòa nhà văn phòng, chung cư hiện nay sẽ không còn gây được hứng thú với khách hàng, trở thành những tài sản “bị mắc kẹt” trong tương lai.
Lĩnh vực bất động sản đang hướng tới mục tiêu trung hòa carbon, do vậy, việc đầu tư phát triển xanh sẽ giúp chủ đầu tư thực hiện được cam kết, nỗ lực và tinh thần trách nhiệm với Chính phủ cũng như toàn xã hội. Ngoài ra, khi đưa các tiêu chí tăng trưởng bền vững vào dự án bất động sản, nhà đầu tư sẽ thu về nhiều lợi ích khác nhau trong tương lai dài hạn.
Theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực, nhu cầu về công trình nhà xanh ở các thành phố lớn trên thế giới, nhất là tại các thị trường Mỹ, châu Âu, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang trên đà tăng mạnh. Thậm chí, với nhu cầu hiện nay, nguồn cung các dự án đạt tiêu chuẩn xanh trên thế giới không đủ để đáp ứng.
Có thể thấy, phát triển theo xu hướng bền vững hay tăng trưởng xanh là bước ngoặt lớn đối với ngành bất động sản. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi dự án đáp ứng đủ các yêu cầu liên quan các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị, khả năng thu hút cư dân và nhà đầu tư sẽ cao hơn