Quá trình phát triển đô thị bền vững cần đi đôi với việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng thông qua các thiết kế kiến trúc chất lượng, đặc biệt các tòa nhà cao tầng hay các công trình, không gian công cộng.
KIẾN TRÚC – LỚP BIỂU BÌ THỨ BA CỦA CON NGƯỜI
Bản chất của các không gian kiến trúc là tạo ra một môi trường vi khí hậu giúp con người chống lại các điều kiện bất lợi của môi trường tự nhiên ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Như vậy, con người luôn được bao bọc bảo vệ bởi ba cấp độ. Thứ nhất là lớp biểu bì của chính cơ thể, thứ hai là lớp biểu bì từ quần áo, và thứ ba là lớp biểu bì từ không gian kiến trúc.
Mỗi lớp sẽ có một đặc tính khác nhau hỗ trợ cho sức khỏe của con người. Nếu như lớp biểu bì cơ thể là một đặc trưng sinh học gắn bó chặt chẽ, không thể thay đổi được tùy theo cơ địa của mỗi người và giới hạn chịu đựng chỉ trong một mức độ nhất định thì quần áo lại có thể thay đổi linh hoạt hơn theo thời gian để giúp cơ thể thích ứng nhanh nhất với những biến động môi trường, đồng thời gia tăng khả năng chịu đựng của con người. Với đặc tính tạo ra không gian rộng lớn chứa được nhiều người, kiến trúc lại như một lớp “quần áo” tập thể, tạo ra một bầu không khí bao quanh và giúp con người thoải mái hơn trong các hoạt động khác nhau.
Ngoài ra, khác với hai lớp kia phải “chống đỡ” gần như bị động các ảnh hưởng của môi trường thì kiến trúc lại hoàn toàn có thể chủ động tạo ra các điều kiện có lợi nhất, thoải mái nhất, tiện nghi nhất, tương ứng với các nhu cầu của cơ thể và sức khỏe lẫn các đặc tính hoạt động và tương tác của con người.
Ngoài việc mang đến tiện nghi về vật chất, kiến trúc còn mang đến những hỗ trợ cho sức khỏe tinh thần. Nói cách khác, sự trải nghiệm trong các không gian kiến trúc sẽ liên quan đến cảm xúc của mỗi người thông qua việc cải thiện chất lượng và giảm căng thẳng cuộc sống. Xu hướng tâm lý phổ biến là con người thường không hài lòng với các đặc điểm cơ thể của mình và sử dụng lớp quần áo để ẩn giấu đi những khiếm khuyết, đồng thời hỗ trợ trong việc tạo nên tính cách, thần thái mỗi con người.
Tuy nhiên, vị thế con người lại được khẳng định cao nhất thông qua kiến trúc. “Sống cái nhà, già cái mồ” – một quan điểm không chỉ của người Việt xưa mà kể cả người Việt nay, cho thấy tính biểu tượng của kiến trúc trong việc tạo ra vị thế đó.
Như vậy, kiến trúc không chỉ là mong muốn, là khát vọng của mỗi con người, mà còn được xem như là một chuẩn mực để đánh giá mức độ thành công, sáng tạo, từ đó đem lại niềm tự hào cho mỗi người. Nói cách khác, kiến trúc vừa góp phần vào sức khỏe thể chất thông qua công thái học vừa ảnh hưởng đến sự thoải mái về mặt sức khỏe tinh thần của chúng ta.
THIẾT KẾ KIẾN TRÚC VỊ SỨC KHOẺ CON NGƯỜI
Chúng ta đã quá quen thuộc với các chiến lược thiết kế kiến trúc giúp cho môi trường vi khí hậu trở nên trong lành và phù hợp hơn với sức khỏe con người, như điều chỉnh thông gió và chiếu sáng tự nhiên, kiểm soát nhiệt độ, tiếng ồn và chất lượng không khí… thông qua các hình thức và đặc tính không gian, cũng như lựa chọn vật liệu xây dựng và các trang thiết bị, đồ nội thất.
Chẳng hạn như những không gian và đồ nội thất đa năng có thể cung cấp nhiều cách bố trí cho phép nhiều sáng tạo hơn và cũng góp phần làm cho cuộc sống bớt đơn điệu hơn bằng cách tối ưu hóa tinh thần trải nghiệm không gian của mỗi người. Việc tạo ra những khoảng không gian tương tác hay những khoảng không gian cách ly là điều cần thiết, để mọi người có thể lựa chọn không gian tốt nhất cho mình theo từng khoảnh khắc và hoạt động cụ thể mang tính tập thể hay cá nhân.
Mở rộng ra, thiết kế hướng đến sức khỏe cũng áp dụng cho các khu vực đô thị thông qua các không gian công cộng, những địa điểm kiến trúc liên quan đến cả sức khỏe thể chất lẫn tâm thần của con người. Các khía cạnh thiên nhiên trong các không gian này, chẳng hạn màu xanh của lá cây, độ thoáng đãng mênh mang của mặt nước có tác dụng chữa bệnh và làm dịu mát tinh thần. Các không gian mở, ngoài tính thẩm mỹ đô thị còn góp phần cải thiện chất lượng không gian các kiến trúc kế cận thông qua sự mở rộng về tầm nhìn, từ đó cải thiện tâm trạng và sức khỏe của con người.
Nói cách khác, nhìn vào các không gian công cộng đô thị, chúng ta có thể hiểu mối quan hệ giữa con người và các tòa nhà ảnh hưởng đến xã hội như thế nào. Theo Jan Gehl – kiến trúc sư và cũng là nhà thiết kế đô thị Đan Mạch chuyên nghiên cứu về các không gian công cộng, trải nghiệm về sự thoải mái và hạnh phúc ở các đô thị thường gắn chặt với cấu trúc và không gian thành phố, sự hài hòa giữa cơ thể và các giác quan của con người với kích thước và quy mô không gian tương ứng. Để đạt được một thành phố khỏe mạnh đúng nghĩa, việc quan tâm đến mối quan hệ giữa kiến trúc, quy hoạch đô thị và sức khỏe cộng đồng là rất cần thiết.
HƯỚNG ĐẾN SỨC KHOẺ CON NGƯỜI VIỆT BẰNG NHỮNG KIẾN TRÚC CHẤT LƯỢNG
Thực tế, từ xa xưa, người Việt đã rất ý thức việc tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe trong chính ngôi nhà của mình thông qua các giải pháp không gian lẫn chi tiết kiến trúc, đồng thời tích hợp cây xanh, mặt nước trong kiến trúc không chỉ để giúp con người thoải mái tinh thần mà còn cải thiện các điều kiện vi khí hậu hay cung cấp những cây thực phẩm, dược liệu thân thiện để tăng sức đề kháng, phòng và chữa bệnh.
Tuy nhiên, sự tiến bộ y học, một mặt đem lại hiệu quả bảo vệ tốt hơn cho sức khỏe con người, nhưng mặt khác lại khiến người Việt có vẻ chủ quan, xem nhẹ tác dụng phòng và chữa bệnh của các yếu tố kiến trúc và đô thị, thậm chí chính một số kiến trúc và đô thị lại tác động ngược, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân.
Dưới góc nhìn tích cực, đại dịch Covid-19 có thể là một dấu hiệu cảnh báo để con người cần thiết phải xem xét lại bản chất của kiến trúc đối với sức khỏe. Chúng ta đều không mong muốn dịch bệnh, nhưng không một ai trong chúng ta dám chắc rằng sẽ không có những cuộc khủng hoảng sức khỏe tương tự, thậm chí là nghiêm trọng hơn xảy ra trong tương lai. Những yêu cầu cách ly lẫn các đợt giãn cách xã hội vừa qua đã khiến con người ý thức rõ ràng hơn vai trò quan trọng của kiến trúc trong việc đảm bảo sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần của con người.
Như vậy, phải khẳng định rằng luôn có sự tương tác giữa sức khỏe con người và môi trường được xây dựng. Nói cách khác, để kiến trúc và đô thị thực sự hướng đến sức khỏe con người, các nhà thiết kế cần chú ý những yếu tố liên quan đến các hoạt động thể chất và tinh thần của con người, trong cả điều kiện bình thường lẫn khi có các mối đe dọa ô nhiễm hay dịch bệnh.
Một mặt, cần chú ý đến các không gian hay công trình công cộng như là những địa điểm lý tưởng để gắn kết xã hội với các điểm gặp gỡ cộng đồng chính thức và không chính thức giúp mọi người phục hồi, nâng cao sức khỏe, mặt khác đối với các kiến trúc mang tính cá nhân cần chú ý đến các điều kiện về nhiệt độ, ánh sáng và độ thông thoáng để tránh tạo ra những môi trường tập trung các tác nhân có hại cho sức khỏe con người.
Thiên nhiên cần được cấy ghép nhiều hơn vào kiến trúc và đô thị, không chỉ để làm loãng mật độ các nguồn ô nhiễm, dịch bệnh mà chúng còn cung cấp nhiều màu sắc, hình thức và mùi hương, có thể khiến con người cảm thấy thoải mái và cân bằng hơn cuộc sống đô thị.
Dù biết tấc đất tấc vàng trong bối cảnh phát triển đô thị hiện nay tại Việt Nam khi các thiết kế kiến trúc đang cố gắng tối đa hóa lợi ích kinh tế đất đai hay lợi nhuận đầu tư xây dựng, nhưng đã đến lúc cần có những chiến lược thiết kế kiến trúc bền vững hơn dựa trên nền tảng vì sức khỏe người dân. Những quy chuẩn xây dựng mang tính pháp lý về thiết kế kiến trúc đảm bảo an toàn sinh mạng vừa được ban hành thời gian vừa qua có thể xem là một bước tiến của Việt Nam trong việc chú ý hơn đến yếu tố con người nhưng có vẻ vẫn là chưa đủ. Hãy xem quá trình phát triển đô thị bền vững cần đi đôi với việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng thông qua các thiết kế kiến trúc chất lượng, đặc biệt các tòa nhà cao tầng hay các công trình, không gian công cộng.