Đi cùng với yếu tố vị trí, thiết kế và tiện ích, thương hiệu có vai trò quan trọng trong việc nhận diện của khách hàng khi doanh nghiệp bất động sản tiến hành chào bán các sản phẩm.
Vì thế, việc xây dựng thương hiệu được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, nhưng không phải cứ dành ra nhiều ngân sách là sẽ thành công.
UY TÍN ĐI KÈM DOANH SỐ
Là một tài sản có giá trị lớn, khách hàng luôn mong muốn tìm đến những nhà cung cấp uy tín, được nhiều người thừa nhận và nhắc tới trên thị trường để tránh những rủi ro không đáng đó.
Vì thế, xây dựng thương hiệu có vai trò quan trọng trong việc ghi lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khách hàng, để họ tìm kiếm và sẵn sàng làm việc với doanh nghiệp khi có nhu cầu.
Tại sao người mua lại thích mua nhà tại chung cư này mà không mua nhà tại chung cư kia, hay tại sao họ lại chỉ thích mua của những chủ đầu tư này mà không mua của các chủ đầu tư kia?
Câu trả lời chủ yếu là nhờ vào thương hiệu và sự khác biệt hóa do chiến lược xây dựng thương hiệu tạo ra theo những cách khác nhau của từng doanh nghiệp, từng chủ đầu tư. Ngoài ra, thương hiệu được nhìn nhận có đóng góp vào giá trị của sản phẩm.
Một thương hiệu có giá trị cao sẽ luôn bán được hàng với giá cao hơn thông thường và ngược lại, một thương hiệu giá trị thấp sẽ chỉ bán được hàng với mức giá thấp hơn nếu muốn cạnh tranh về số lượng.
CẦN MỘT HÌNH ẢNH RÕ RÀNG
Các doanh nghiệp địa ốc chuyên nghiệp muốn “đi đường dài” trong lĩnh vực bất động sản đều nỗ lực xây dựng cho mình một thương hiệu “độc quyền”.
Thực tế cho thấy, không phải cứ chi nhiều tiền cho đầu tư thương hiệu là sẽ có được thương hiệu nhiều người nhận diện tốt và có khả năng mang lại hiệu quả trong việc tiếp thị, bán hàng.
Hệ quả dẫn đến tình trạng, thương hiệu bất động sản gặp khó khăn trong quá trình bán hàng, hoặc bán được hàng nhưng chủ yếu là nhờ vào yếu tố thuận lợi chung của thị trường, còn bản thân giá trị thương hiệu không có đóng góp vào kết quả.
CẦN TẠO SỰ KHÁC BIỆT
Xây dựng thương hiệu hoàn toàn không chỉ là đặt một cái tên, mà là chặng đường dài tạo ra “hình ảnh rõ ràng và khác biệt”.
Nếu muốn nuôi dưỡng để tạo sự khác biệt trên thị trường thì bắt buộc doanh nghiệp phải chú trọng hai yếu tố, đó là môi trường kinh doanh cụ thể trong phân khúc thị trường mà thương hiệu hoạt động cạnh tranh và tiếp thị sản phẩm như thế nào trong phân khúc thị trường.
Nếu bước đầu tiên trong quy trình khác biệt hoá thương hiệu là lựa chọn điểm khác biệt thực sự thì bước tiếp theo sẽ thách thức khác biệt đó bằng câu hỏi: “Lý do nào sẽ khiến cho khách hàng tiềm năng thực sự tin điều này?”.
Đơn giản là vì một điều có thật không có nghĩa người ta sẽ tin vào nó, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay, hầu hết khách hàng đều cảnh giác trước những tuyên bố của chủ đầu tư.
Tiếp đó, doanh nghiệp cần mô tả rõ những lợi ích mà từng điểm khác biệt sẽ mang lại cho khách hàng. Trên thực tế, có hai kiểu lợi ích khác nhau và doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng từng nhóm ích lợi này, gồm lợi ích lý tính và lợi ích cảm tính. Chính những khác biệt cảm tính này có thể nâng cao hiệu quả cho hệ thống nhận diện thương hiệu cốt lõi.
Trong đó, lợi ích lý tính chắc chắn phải thể hiện bằng sự thấy được, cảm nhận được, so sánh và đối chiếu được, đó là giá thực của từng dự án, thể hiện đúng những gì doanh nghiệp cam kết trước khách hàng, từ chất lượng, tiến độ đến các dịch vụ hậu mãi sau khi bàn giao cho khách hàng.