Chuyên gia cho rằng, sang năm 2023 khi ngân hàng có room tín dụng mới thì thị trường bất động sản mới có thêm các giao dịch từ những người mua nhà ở thực. Tuy nhiên, lượng thanh khoản sẽ không bùng nổ để tạo ra những “cơn sốt” như đã từng xảy ra.
Theo Nhịp sống thị trường, kể từ đầu năm nay, thị trường bất động sản liên tục rơi vào khó khăn. Trong đó nổi bật là những chính sách tiền tệ đã được Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ hơn như tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó là thanh khoản thị trường BĐS nhanh chóng sụt giảm.
Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu Tư Savills Việt Nam – TS. Sử Ngọc Khương đánh giá, trên bình diện một nền kinh tế, việc Nhà nước thắt chặt tín dụng cùng lãi suất ngân hàng tăng lên sẽ ảnh hưởng tới mọi ngành nghề, gồm cả sản xuất, kinh doanh, xây dựng, dịch vụ, ngân hàng,… Thực tế là, thị trường BĐS đã đối mặt với nhiều khó khăn pháp lý trong suốt những năm qua. Vì vậy, vấn đề tài chính chỉ là một trong các yếu tố khiến tình trạng này khó khăn hơn.
“Để thị trường có thể phục hồi một cách nhanh chóng cần phải có sự hỗ trợ về pháp lý trong việc phát triển dự án cho doanh nghiệp. Trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng rằng những nút thắt này sẽ sớm được tháo gỡ để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi hơn cho những nhà đầu tư như đáp ứng nhu cầu nhà ở cho đại bộ phận người dân, giúp họ có thể tiếp cận ước mơ sở hữu nhà ở với giá thành hợp lý” – Ông Khương nhấn mạnh.
Ông Khương cho rằng, nền kinh tế và tài chính Việt Nam trong giai đoạn tới cũng bị tác động mạnh bởi những ảnh hưởng của các biến động trên thế giới như lạm phát, giá hối đoái giữa những đồng tiền ngoại tệ, việc khan hiếm nguồn cung xăng dầu và những bất ổn chính trị – xã hội toàn cầu.
Trong bối cảnh này, thị trường BĐS cũng phải chịu nhiều tác động kinh tế. Vì vậy, theo dự đoán từ chuyên gia, thị trường sang năm 2023 sẽ có những biến chuyển thận trọng hơn. Xét về tính thanh khoản, phân khúc nhà ở vẫn duy trì ở mức ổn định. Tuy nhiên, nguồn cung hạn chế và thiếu vắng những sản phẩm vừa túi tiền với người tiêu dùng cũng sẽ làm ảnh hưởng tới tính thanh khoản. Các phân khúc như BĐS công nghiệp và văn phòng vẫn hoạt động tốt và doanh nghiệp sẽ tiếp tục được mở rộng.
Nhìn dưới góc độ tài chính, ông Khương cho rằng, những dự án BĐS dang dở cần sớm được giải ngân để tiếp tục quá trình xây dựng và tạo thêm nguồn cung mới cho thị trường. Đối với những dự án đã đầy đủ pháp lý, đủ điều kiện đi vay và hoàn thành thì cần cân nhắc về việc vay vốn đầu tư.
Đối với các dự án chưa đủ điều kiện, những chủ đầu tư cần chờ thêm một thời gian nữa để hoàn tất đủ các thủ tục cần thiết nhằm đảm bảo tính minh bạch trên thị trường và quyền lợi của đôi bên. Chưa kể các chủ đầu tư cũng cần có thêm nguồn vốn từ FDI, các đối tác liên doanh hay các quỹ đầu tư để được giải quyết bài toán khó khăn về tài chính.
“Ngày 17/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án BĐS. Tôi hy vọng tổ công tác mới sẽ đạt những kỳ vọng của các nhà phát triển BĐS trong việc tháo gỡ khó khăn cũng như sự tồn đọng về vấn đề pháp lý của những dự án BĐS trong thời gian qua” – Chuyên gia nói.
Còn theo đánh giá của Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) Nguyễn Văn Đính, trong 3 tháng cuối năm thường là giai đoạn thị trường sôi động nhất. Nhưng do chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố nên thị trường năm nay khó có thể như những năm trước. Tới năm 2023, cũng khó ổn định và phát triển nếu dòng vốn chưa được khơi thông.
Nhiều ý kiến cho rằng, sang đầu năm sau, khi có room tín dụng mới thì thị trường BĐS sẽ ngay lập tức đảo chiều. Ông Đính cho rằng, room tín dụng mới sẽ giúp thị trường BĐS sôi động hơn so với hiện tại, tuy nhiên không còn hiện tượng sốt đất như đầu năm 2022. Dòng tiền từ room mới tuy không nhiều nhưng vẫn giúp thị trường có thêm điểm giao dịch từ người mua nhà ở thực và những nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ.
“Khi nguồn vốn chính vẫn còn bị ảnh hưởng thì câu chuyện nhức nhối trên thị trường bất động sản vẫn thường là nguồn cung BĐS tiếp tục khan hiếm. Vì vậy, room tín dụng vào năm sau chưa chắc có thể giải quyết từ những vấn đề gốc rễ” – Ông Đính nhấn mạnh. Bên cạnh đó vị chuyên gia cho rằng, vấn đề nổi cộm trên thị trường bất động sản năm nay và sang năm 2023 là tiền, nguồn cung hợp lý và thanh khoản.
Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, sang tới đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ có kế hoạch nới room tín dụng, khi đó dòng tiền sẽ không dồn hết vào BĐS mà phân bổ đi các lĩnh vực khác. Ông Hiển nói: “Bắt đầu từ tháng 1/2023, ngân hàng sẽ có thêm 14% room tín dụng mới. Trong đó có 6 nhóm doanh nghiệp được ưu tiên cho vay vốn lưu động có nhóm ngành sản xuất kinh doanh”.
Vị chuyên gia còn cho rằng, doanh nghiệp hiện nay nên chú trọng vào việc xây dựng cơ cấu vốn phù hợp, gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung hạn. Nếu muốn ngân hàng cung cấp thêm vốn lưu động thì doanh nghiệp cần lên kế hoạch kinh doanh cụ thể, hợp lý.
Theo một số ý kiến khác, thị trường BĐS năm 2023 sẽ có nhiều tín hiệu tích cực hơn. Các vướng mắc pháp lý sẽ được tháo gỡ. Bên cạnh đó, tới năm 2023 có room tín dụng mới là điểm sáng cho thị trường BĐS.