Dự án quá hạn chưa triển khai, chủ đầu tư xin dừng hoặc không phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương đều bị hủy.
Tỉnh Đồng Nai đang rà soát lại quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025, dự kiến 535 dự án với diện tích hơn 4.600ha trong kế hoạch này.
Trong đó, từ 2015 đến nay, UBND tỉnh đã hủy 203 dự án tại thành phố Biên Hòa và thành phố Long Khánh, tổng diện tích hơn 900ha.
UBND tỉnh Đồng Nai thông tin, các dự án bị hủy kế hoạch sử dụng đất do quá thời hạn quy định, nhưng chủ đầu tư chưa triển khai dự án, chủ đầu tư xin dừng dự án, dự án không còn phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương, dự án chưa vận động được xã hội hóa. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện dự án, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp khó khăn nên chủ đầu tư phải thay đổi địa điểm khác, dẫn đến chưa thực hiện thủ tục đất đai.
Theo Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, trong 31 khu công nghiệp đang hoạt động tại tỉnh, có 59 dự án của doanh nghiệp ngưng hoạt động do chủ đầu tư hoạt động không hiệu quả. 45 dự án trong số này thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký là 166 triệu USD và 14 dự án có vốn đầu tư trong nước, vốn đăng ký 806 tỷ đồng.
Theo Báo Đồng Nai, khoảng 4 năm trở lại đây, “cơn sốt” giá đất nông nghiệp ở Đồng Nai bắt đầu bùng phát. Hiện giá đất nông nghiệp ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tăng từ 4-10 lần so với năm 2016.
Một chuyên gia cho rằng, giá đất Đồng Nai vẫn tăng bất chấp thực trạng bất động sản nhiều tỉnh, thành phía Nam hạ nhiệt do Covid-19, bởi ăn theo hàng loạt công trình hạ tầng lớn và sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp. Vị này cũng cảnh báo về thực trạng nhiều doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận, giở chiêu trò “thổi” giá đất nông nghiệp lên cao gây ra những “cơn sốt ảo” về đất nông nghiệp, làm bất ổn thị trường bất động sản.