Từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, đặc biệt là tốc độ lây lan, nguy hiểm gấp nhiều lần so với 3 đợt dịch trước, đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực hơn cho nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản (BĐS) nói riêng. Trong đó, một số phân khúc đã rơi vào tình trạng “đóng băng”, các phân khúc còn duy trì hoạt động cũng buộc phải giảm giá, cắt lỗ.
“Đóng băng” hay “sốt nóng”?
Từ quý II/2021, đặc biệt là thời điểm dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, thị trường BĐS cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng đã xuất hiện hiện tượng giảm giá, cắt lỗ ở nhiều dự án, khu vực được xem là “điểm nóng” về tăng giá trong quý trước đó.
Đơn cử, đối với thị trường đất nền ghi nhận thực tế tại một số khu vực như: Thạch Thất, Đông Anh, Hoài Đức… giá đã giảm bình quân từ 10 – 15%, một số địa điểm giảm tới 30%. Đặc biệt, địa bàn huyện Thạch Thất, sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội kiến nghị UBND TP thu hồi 10 dự án lớn do có dấu hiệu vi phạm về sử dụng đất đai vào cuối tháng 3, đã khiến cho thị trường đất nền nơi đây không còn sôi động như thời điểm trước.
“Nhà đất tại địa bàn không còn bị thổi giá như thời điểm cuối năm 2020 và quý đầu năm 2021 nữa. Đất nền trong khu dân cư được thổi lên từ 10 – 12 triệu đồng/m2 vào quý I, nay đã trở về đúng với giá trị thật 7 – 8 triệu đồng/m2; đất nền dự án tái định cư đã có hạ tầng bị thổi lên 23 – 25 triệu đồng m2, đến nay chỉ còn 15 – 17 triệu đồng/m2” – đại diện UBND xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất) cho hay.
Cụ thể, về số lượng các dự án phát triển nhà ở, dự án bất động sản được cấp phép, đang triển khai, đã hoàn thành trong quý II-2021, Bộ Xây dựng cho biết, trên cả nước có 69 dự án phát triển nhà ở thương mại với 27.462 căn được cấp phép (bằng 73% so với quý I-2021 và chỉ bằng khoảng 21% so với cùng kỳ năm 2020). Ngoài ra, có 1.119 dự án với 352.575 căn đang triển khai xây dựng (bằng 81% so với quý I-2021 và bằng khoảng 79% so với cùng kỳ năm 2020); 34 dự án với 2.801 căn hoàn thành (bằng khoảng 83% so với quý I-2021 và chỉ bằng khoảng 47% so với cùng kỳ năm 2020)..
Trong rủi có may?
Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết, thị trường BĐS đang rơi vào 2 luồng đối nghịch, nếu như thị trường thứ cấp, do tình hình dịch bệnh nên có nhiều người muốn thanh khoản căn hộ đang sở hữu, tạo cơ hội để người mua nhà với giá thấp hơn so với thời gian trước từ 5 – 10%; thị trường sơ cấp, giá căn hộ vẫn tăng trong suốt thời gian dịch bệnh vừa qua và cũng sẽ có xu hướng tăng tiếp tục trong thời gian tới, do chi phí đầu tư, nguyên vật liệu, lãi vay, chi phí tài chính… đều tăng được tính vào giá bán sản phẩm.
“Rất nhiều ý kiến nghi ngại về việc nên hay không nên mua nhà vào lúc này. Nếu thực sự có nhu cầu về nhà ở hoặc đầu tư dài hạn thì tốt hơn hết nên mua thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, đây không phải là thời điểm dành cho nhà đầu tư lướt sóng” – ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt nhận định.
Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, đã tiếp tục giáng thêm một “đòn mạnh” vào thị trường BĐS, nhưng cũng mang đến cơ hội cho người có nhu cầu thực về nhà ở và nhà đầu tư dài hạn, bởi dân số tăng, nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh tăng theo về lâu dài đất đai sẽ tiếp tục tăng giá. Hơn nữa, BĐS là kênh mà nhà đầu tư có thể mua với giá trị thấp hơn giá trị thực, khác hẳn với kênh chứng khoán, vàng… do được ngân hàng bảo lãnh cho vay.
“Ngoài ra, khi mua tài sản BĐS thì chủ sở hữu được dùng thế chấp để lấy tiền phục vụ nhu cầu đầu tư khác hoặc sử dụng để kinh doanh sinh lời. Vì vậy, về lâu dài nếu nhà đầu tư đủ tiềm lực tài chính vẫn có thể lựa chọn BĐS là kênh đầu tư an toàn, bất chấp những ảnh hưởng từ dịch bệnh” – ông Dennis Ng nhìn nhận.
Các doanh nghiệp bất động sản vẫn rất tích cực bám thị trường, đẩy thanh khoản ngay cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội thông qua nhiều hình thức, như giới thiệu và bán hàng trực tuyến. Các sàn giao dịch cũng ghi nhận về nhu cầu mua nhà ở của người dân khá tích cực, nhất là tại thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội…