Thị trường bất động sản công nghiệp đang phát triển nhanh, tỷ lệ lấp đầy và giá thuê có xu hướng tăng cao hơn so với đầu năm. Đồng thời có thêm nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp mới được chấp thuận.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sau giai đoạn giảm xuống vì Covid-19, xu hướng tìm kiếm nhà xưởng đang có tín hiệu khởi sắc trở lại khi các cuộc trao đổi trực tuyến cũng như trực tiếp giữa nhà đầu tư ngoại với các khu công nghiệp vẫn được duy trì ổn định và thường xuyên.
Báo cáo cập nhật của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng cho thấy, nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp mới, kho xưởng được chấp thuận đầu tư và triển khai thực hiện trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn cả nước.
Cụ thể khu công nghiệp Cây Trường quy mô 700ha, VSIP III quy mô 1.000ha tại tỉnh Bình Dương; khu công nghiệp Nam Tân Tập quy mô 245ha và khu công nghiệp Tân Tập quy mô 645ha, dự án nhà xưởng và nhà kho khu công nghiệp Quảng Trị quy mô khoảng 500ha tại tỉnh Quảng Trị; dự án nhà xưởng và nhà kho khu công nghiệp Hố Nai quy mô 16,3ha tại tỉnh Đồng Nai.
Tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp của cả nước trong 6 tháng đầu năm có xu hướng tăng và đạt ở mức cao. Trong đó tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở khu vực phía Bắc đạt khoảng 80%, với 5 tỉnh/thành phố trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng, bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương với gần 15.000ha đất công nghiệp, tăng so với mức 75% cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ lấp đầy nhà xưởng xây sẵn cũng tiếp tục ở mức cao, đạt 98%. Giá đất công nghiệp trung bình trong quý đạt 109 USD/m2/chu kỳ thuyê.
Đối với khu vực phía Nam, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt khoảng 85% với 4 tỉnh/thành trọng điểm TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đáng chú ý, tại một số địa phương, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt ở mức cao trên 95% như Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bắc Ninh.
Trong quý II/2022, nhờ tỷ lệ lấp đầy tăng cao nên giá thuê đất trung bình ghi nhận mức tăng trưởng nhanh đạt mức 13% tại các thành phố công nghiệp chính, thậm chí có thể tăng tới 20% tại một vài dự án. Trong đó, tại khu vực phía bắc tăng từ 5-12% so với cùng kỳ năm trước. Tại khu vực phía nam tăng từ 8-13% so với cùng kỳ năm 2021
Báo cáo cập nhật ngành khu công nghiệp (KCN) công bố bởi SSI Research đưa ra góc nhìn tích cực về lợi nhuận của nhóm khu công nghiệp trong nửa cuối năm 2022 cũng như năm 2023.
Theo đó, nửa cuối năm 2022, nhóm nghiên cứu kỳ vọng lợi nhuận sau thuế sẽ tăng trưởng 47,3% so với cùng kỳ, nhờ vào hai yếu tố chính: Một là nhu cầu đất công nghiệp sẽ phục hồi tích cực khi nền kinh tế mở cửa; Hai là giá thuê dự kiến tiếp tục tăng trung bình 8-205 so với cùng kỳ, tùy khu vực.
Về nhu cầu thuê đất KCN, SSi Research dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2023 do ba nguyên nhân:
Thứ nhất, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn tiếp tục
Thứ hai, các chính sách thu hút FDI cũng thúc đẩy các nhà đầu tư quay trở lại đầu tư vào Việt Nam, có thể kể đến những chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu hoạt động, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo, và nhiều ưu đãi khác.
Thứ 3, cải thiện cơ sở hạ tầng trong thời gian tới như các dự án đường vành đai 3 và đường vành đai 4, đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Dầu Giây – Phan Thiết, đường cao tốc Bắc – Nam, cảng Cái Mép Thị Vải và cảng Gemalink sẽ tạo ra kết nối thuận tiện hơn giữa các KCN.
Các chuyên gia bất động sản kỳ vọng cùng với đà phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch và các chính sách hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ, bất động sản công nghiệp vẫn sẽ là phân khúc tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới khi ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư vào Việt Nam.
Chia sẻ với PV, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, phân khúc bất động sản công nghiệp đang có đà tăng trưởng tốt, bởi việc giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam đang trên đà tăng. Đặc biệt trong 3 năm qua, mặc dù vốn đăng ký có thể giảm nhưng vốn đầu tư công, vốn giải ngân vẫn tăng, vì thế trở thành yếu tố thúc đẩy bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng mạnh.
“Phân khúc bất động sản công nghiệp là một phân khúc có độ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Do các nhà đầu tư trong nước vẫn tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào việc mở rộng các khu công nghiệp sản xuất cho nền kinh tế, với khối lượng doanh nghiệp thành lập mới rất nhiều, và bây giờ người ta cũng đòi hỏi phải tham gia vào các khu công nghiệp đã được chuẩn hóa, để từ đó tiết kiệm được các chi phí về xử lý rác thải và đảm bảo yêu cầu cung ứng. Còn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tiếp tục được giải ngân tăng lên mạnh mẽ. Trong 6 tháng đầu năm 2022, chúng ta đã thấy giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng khoảng hơn 10% so với năm trước”, ông Thịnh chia sẻ.
Cũng theo ông Đinh Trọng Thịnh, nhờ sự tăng trưởng nhanh nên giá bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Điều này cũng có thể trở thành một trong những lực cản đối với nền kinh tế của đất nước, bởi giá tăng cao thì chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí sử dụng đất hay chi phí thuê đất, sản xuất cũng tăng cao.
“Chi phí đất đai chiếm mất một phần lớn rồi nên sẽ khó khăn cho tăng trưởng và phát triển. Các địa phương, tỉnh thành cần chuẩn bị tốt các quỹ đất sạch để phát triển các khu công nghiệp. Đây là một trong những việc làm cần thiết để có thể thu hút các đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng và thu hút đầu tư trong nước nói chung vào việc tăng trưởng và phát triển nền kinh tế Việt Nam”, ông Thịnh nói.