Xu hướng dịch chuyển sản xuất đang rất mạnh mẽ trên thế giới, trong đó Việt Nam trở thành điểm đến nổi bật trên thị trường bất động sản công nghiệp toàn cầu. Với nhu cầu thuê mặt bằng xây dựng nhà xưởng ngày càng tăng là động lực khiến BĐS công nghiệp hấp dẫn khách hàng và thúc đẩy nhà đầu tư ngoại mở rộng mặt bằng khu công nghiệp tại Việt Nam.
Ông Trịnh Văn Quang – Giám đốc Phát triển dự án Công ty Cổ phần Vina CPK cho biết, sau thời gian dài tạm dừng vị đại dịch Covid – 19, doanh nghiệp hiện đang phối hợp với chính quyền địa phương nhằm đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, hướng đến mục tiêu đưa vào xây dựng 60ha đất công nghiệp vào cuối năm nay.
“204ha đất khu công nghiệp mà Vina CPK đang khai thác ghi nhận lấp đầy toàn bộ với sự tham gia của 67 nhà đầu tư tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Mỹ và Thụy Điển,… Do đó, đơn vị lập kế hoạch khai thác đầu tư 104ha đất còn lại nhằm phục vụ nhu cầu thuê mặt bằng xây dựng nhà máy từ các nhà đầu tư quốc tế” – Ông Quang chia sẻ.
So sánh với những khu công nghiệp khác, Vina CPK sở hữu một “hệ sinh thái” các nhà đầu tư đa dạng, chất lượng. Nhiều nhà đầu tư ngoại trở thành đối tác, bạn hàng của các nhà đầu tư đang thuê hạ tầng tại Khu công nghiệp Bá Thiện II và có nhu cầu thuê thêm mặt bằng để làm xưởng sản xuất.
Như vậy, ngay khi có chính sách tăng giá đất và hỗ trợ người dân trong công tác giải phóng mặt bằng của tỉnh Vĩnh Phúc theo Nghị quyết 01 của Hội đồng nhân dân tỉnh thì Vina CPK kết hợp cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng hậu Covid – 19.
“Chúng tôi kỳ vọng có thể đưa một phần diện tích đất công nghiệp vào khai thác ngay trong cuối năm nay. Tránh trường hợp từ chối những doanh nghiệp ngoại nếu không có đủ mặt bằng để giao ngay như trước đây” – Ông Quang cho hay.
Đại diện Cụm công nghiệp bắc Lâm Thao (Phú Thọ) cho biết, khoảng 30% diện tích đất cụm công nghiệp hiện đã có hợp đồng nguyên tắc giữ đất. Tuy nhiên kết từ đầu năm nay, khi Việt Nam mở lại đường bay quốc tế, nhiều nhà đầu tư nhanh chóng liên hệ và mong muốn tham gia đầu tư vào các cụm công nghiệp tại Việt Nam.
Nhiều chuyên gia nhận định, động thái mở rộng khu công nghiệp của các nhà đầu tư không khó hiểu khi làn sóng dịch chuyển đã đưa nguồn vốn FDI liên tục “chảy” vào Việt Nam trong thời gian gần đây. Những doanh nghiệp tới từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc)… tiếp tục dịch chuyển vào Việt nam tìm kiếm mặt bằng mở nhà máy mới phục vụ chiến lược đầu tư mở rộng sản xuất của họ.
Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), xu hướng tìm kiếm nhà xưởng sau giai đoạn suy giảm khi đại dịch diễn ra thì nay đã khởi sắc trở lại khi các cuộc trao đổi trực tuyến và trực tiếp giữa các nhà đầu tư ngoại cùng các chủ đầu tư KCN đã duy trì ổn định.
Báo cáo của Công ty cổ phần chứng khoán SSI về thị trường BĐS công nghiệp mới đây cho thấy, tổng diện tích đất công nghiệp đã hoạt động trên địa bàn 6 tỉnh, thành phố công nghiệp trọng điểm miền Bắc đạt 10.600ha trong quý I/2022, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ lấp đầy dạt 86,6 do nguồn cầu vượt nguồn cung mới.
Tại 5 tỉnh, thành phố công nghiệp trọng điểm miền Nam ghi nhận diện tích đất khu công nghiệp tăng 4,4%, đạt mức 26.000ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 89,6%. Nguồn cung tập chung chính tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai.
Do đó, nhằm phục vụ nhu cầu thị trường, miền Bắc dự kiến tăng thêm 3.600ha đất KCN mở mới trong giai đoạn 2022 – 2023. Trong khi nhiều nhà đầu tư tại miền Nam cũng có kế hoạch mở rộng hạ tầng KCN để đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài. Dự kiến, đất khu công nghiệp phía nam tăng hơn 3.500ha trong vòng 2 năm tiếp theo.
Theo báo cáo của SSI, nhu cầu thuê đất công nghiệp của khối ngoại vẫn được đánh giá có sự tăng trưởng tích cực. Điều này mang đến động lực để phát triển ngành công nghiệp xây dựng hạ tầng KCN mạnh mẽ hơn.
Hoạt động sản xuất kinh doanh đã được thông suốt khi chính phủ đã kiểm soát dịch bệnh rất tốt. Xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn diễn ra mạnh mẽ giúp tăng kỳ vọng vào dòng vốn FDI và thúc đẩy việc mở cửa toàn bộ đường bay quốc tế vào cuối năm nay.
Việt Nam cũng hưởng những lợi ích từ chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng ‘Trung Quốc +1” của nhiều doanh nghiệp đa quốc gia. Việt nam trở thành điểm đến hàng đầu nhờ chi phí thuê cạnh tranh, giá công nhân rẻ, chính trị ổn định, gần Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc hạn nguồn cung bị hạn chế và nhu cầu phục hồi đang là yếu tố giúp giá thuê KCN vẫn ở mức cao. Diện tích đất KCN phía Nam có thể tăng thêm hơn 3.500ha trong giai đoạn 2022 – 2023 để phục vụ nhu cầu ngày một cao của khu vực.
Trong 2 năm tới, Bình Dương sẽ có hơn 2.00ha đất khu công nghiệp được đưa vào hoạt động với các dự án khu công nghiệp VSIP 3, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (346ha), Khu công nghiệp Cây Trường (700ha). Long An cũng đang được kỳ vọng là điểm sáng nhờ việc tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và thương mại điện tử.
Các chính sách thu hút FDI là động lực thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài trở lại Việt Nam. Đơn cử là chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu hoạt động, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo cùng nhiều ưu đãi khác.
Những triển vọng cải thiện cơ sở hạ tầng trong tương lai như các dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Bắc – Nam, cảng Cái mép Thị Vải và cảng Gemalink sẽ tạo sự kết nối thuận lợi hơn giữa các khu công nghiệp.