Đây là một trong những nội dung được thảo luận tại Tọa đàm: “Đà Nẵng – Thành phố đáng sống của tương lai” do Sun Property (thành viên Tập đoàn Sun Group) phối hợp tổ chức cùng CafeF diễn ra vào sáng ngày 18/7.
Giữ vững “ngôi vương” – Nơi đáng đến
Mặc dù gánh chịu tác động không nhỏ sau hai năm dịch bệnh, nhưng ngay khi “mở cửa” du lịch, Đà Nẵng lập tức trở lại đường đua. 6 tháng đầu năm nay, tổng lượng khách đến Đà Nẵng ước đạt 1,3 triệu lượt, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Số chuyến bay đến Đà Nẵng tăng mạnh, đặc biệt là các đường bay quốc tế. Theo Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, sau khi một số hãng hàng không của Singapore, Malaysia, Thái Lan nối lại đường bay đến Đà Nẵng vào cuối tháng 3/2022, đến nay có gần 300 chuyến bay quốc tế cùng hàng chục nghìn lượt khách đến với thành phố biển này.
Tại tọa đàm “Đà Nẵng – Thành phố đáng sống của tương lai”, chuyên gia kinh tế PGS.TS. Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, Đà Nẵng là một trong số ít thành phố có tốc độ phục hồi du lịch nhanh sau dịch. Đà Nẵng vốn được mệnh danh là thành phố đáng sống từ trước. Cho nên, khi du lịch được “mở cửa”, người dân nơi đây mang trong mình khát khao phục hồi, nỗ lực đón khách trở lại.
Chia sẻ ấn tượng về Đà Nẵng, TS. Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay: “Tôi ấn tượng với văn hóa, sự thân thiện, mến khách của người dân, đặc biệt sự vào cuộc của chính quyền, người dân, doanh nghiệp tạo nên một thành phố xứng đáng đến để hưởng thụ, trải nghiệm. Đà Nẵng đã đạt đến tầm một đô thị ví như một thành phố du lịch ở những quốc gia phát triển như châu Âu. Đặc biệt, Đà Nẵng còn rất nhiều nội lực, tiềm năng, dư địa để phát triển kinh tế”.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh – Tổng giám đốc Sun Property, Thành viên Tập đoàn Sun Group cho rằng, những con số về du lịch 6 tháng đầu năm đã cho thấy Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, làm thế nào để đưa một điểm “đáng đến” trở thành nơi “đáng sống, đáng đầu tư” lại là trăn trở lớn nhất của các chuyên gia dự tọa đàm. Bởi, nơi “đáng đến” luôn thu hút khách du lịch, còn “thành phố đáng sống” mới là yếu tố thu hút nhân sự chất lượng cao tới làm việc, an cư, cống hiến..
Áp lực đưa thành phố “đáng sống” lên tầm cao mới
Ông Trần Đình Thiên cho rằng, một thành phố đáng sống sẽ hơn đáng đến. Theo ông, đến là để tận hưởng, ăn chơi, khám phá còn sống là phải làm việc, cống hiến.
“Hiện nay, Đà Nẵng đang cố gắng trở thành nơi đáng để cống hiến, làm việc sáng tạo và là một thành phố an toàn, bình yên. Những người về hưu, có tiền đến mua nhà ở chứ không phải chỉ đến đó thăm con, đi chơi xong về Hà Nội, Nghệ An”, ông Thiên nói.
Theo chuyên gia, ngành du lịch của Đà Nẵng rất phát triển, thuộc top đầu của cả nước nhưng đợt Covid-19 vừa rồi đã cho thấy nếu chỉ tập trung vào du lịch thì nền kinh tế sẽ bị lệch vào một loại ngành và chứa đựng rủi ro. Cho nên, Đà Nẵng không bỏ du lịch, tiếp tục nâng cấp nhưng để đáng sống thật thì phải làm sao cho người ta thấy những rủi ro giảm đi. Vì thế, Đà Nẵng phải phát triển theo hướng là một trung tâm công nghệ cao, cảng logistics, thành phố dọc sân bay… Khi làm theo những cách như thế thì dư địa phát triển còn rất nhiều, ở tầm cao mới kể cả du lịch, lẫn công nghiệp.
Ngoài ra, những mảnh ghép còn khuyết thiếu từ việc phát triển các khu đô thị ven sông hoặc kinh tế đêm nếu được lấp đầy sẽ giúp nâng tầm cuộc sống người Đà Nẵng. Làm được điều đó thì Đà Nẵng sẽ thực sự là một thành phố đáng đến và đáng sống.
Đồng quan điểm, bà Thúy Linh cũng cho rằng nếu cứ phụ thuộc vào du lịch thì cán cân về đầu tư bất động sản cũng sẽ làm kinh tế Đà Nẵng bị thiếu hụt, không đảm bảo. Đại dịch là minh chứng rõ nét khi quá phụ thuộc vào du lịch, bất động sản gắn liền với du lịch tại các dự án bên biển Mỹ Khê không có doanh thu để chia sẻ với các nhà đầu tư. Hay câu chuyện đất nền không có khả năng tăng giá quá lớn khi không có sự bùng nổ và không có đối tượng khách nhập cư đến với Đà Nẵng.
Đồng thời, đại diện Sun Property cũng chỉ ra những nghịch lý còn tồn tại trong quy hoạch hạ tầng đô thị của Đà Nẵng. Thứ nhất, Đà Nẵng là một nơi có nhiều con sông đẹp và gắn liền với nhiều cây cầu nhưng chưa có một khu đô thị văn minh, hoàn chỉnh ven sông với hệ tiện ích đầy đủ.
Thứ hai, Đà Nẵng không thiếu dịch vụ gì từ ẩm thực đến vui chơi giải trí. Nhưng những dịch vụ này đa phần mới chỉ hướng tới khách du lịch ngắn hạn chứ thực sự hướng tới người dân bản địa hay người an cư lạc nghiệp.
“Đây là mảnh ghép còn thiếu hụt trên bản đồ đô thị thành phố biển từ bấy lâu nay. Trong vai trò là nhà đầu tư tiên phong và có một tình yêu lớn đối với Đà Nẵng, chúng tôi đang mong muốn đưa kinh tế Đà Nẵng phát triển bền vững không chỉ phụ thuộc vào du lịch mà gắn liền với phát triển những khu đô thị có đầy đủ tiện ích, bài bản để Đà Nẵng không chỉ là điểm đến du lịch hấp dẫn mà còn là hình mẫu về không gian sống đẳng cấp với những cộng đồng dân cư tinh hoa”, bà Thúy Linh chia sẻ.