ĐẨY MẠNH ĐẦU TƯ HẠ TẦNG
Tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành thành phố quốc tế, một phần của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, cửa ngõ tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây; điểm đến phong cách sống toàn cầu; trung tâm du lịch, dịch vụ, kinh tế biển của Việt Nam và Đông Nam Á…
Cũng trong năm qua, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã ký quyết định phê duyệt 57 dự án trọng điểm ưu tiên thu hút đầu tư. Trong đó, có dự án hệ thống giao thông vận tải công cộng khối lượng lớn như hệ thống tàu điện ngầm, xe điện bánh sắt tramway tổng mức đầu tư dự kiến 54.500 tỷ đồng; Dự án tàu điện kết nối từ sân bay Đà Nẵng, qua trung tâm thành phố đến Hội An theo tuyến đường ven biển đến phố cổ Hội An với vốn đầu tư dự kiến 7.497 – 14.995 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo có 6 dự án, gốm: Trường đào tạo liên cấp quốc tế (huyện Hòa Vang, diện tích 1,8 ha); Trung tâm đào tạo kỹ năng quốc tế (huyện Hòa Vang, diện tích 46 ha) tổng vốn đầu tư dự kiến 227,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dự án Khu đô thị đại học (quận Ngũ Hành Sơn, diện tích 20 ha) vốn đầu tư dự kiến 342 tỷ đồng, Trường đại học Quốc tế (huyện Hòa Vang) tổng vốn đầu tư dự kiến 1.138 tỷ đồng…
Về lĩnh vực y tế, có dự án Trung tâm điều trị ung bướu quốc tế chất lượng cao quy mô 500 giường bệnh có tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 11.000 tỷ đồng. Về lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, có 11 dự án được ưu tiên thu hút đầu tư. Trong đó, có một số dự án đáng chú ý như Bến du thuyền quốc tế (khu vực từ đường Bạch Đằng đến đường Như Nguyệt), chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch, công viên bách thảo (huyện Hòa Vang, diện tích 200 ha) hay dự án Trung tâm mua sắm giải trí ngầm (quận Ngũ Hành Sơn, diện tích 3 ha) vốn đầu tư 910,8 tỷ đồng…
Đà Nẵng cũng đã đẩy mạnh hoạt động khơi thông sông Cổ Cò, kết nối với Quảng Nam. Hai bên bờ sông được quy hoạch thành các bến thuyền du lịch kết hợp với các công viên, các khu vui chơi giải trí, khu du lịch sinh thái, làng du lịch cộng đồng… Chuỗi dự án bên sông Cổ Cò sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển chuỗi đô thị kết nối Đà Nẵng với Hội An…
Nói về tiềm năng phát triển của Đà Nẵng cũng như thị trường bất động sản nơi đây, KTS. Ngô Viết Nam Sơn nhận định: với lợi thế hội tụ nhiều điều kiện tương đồng về địa lý, tiềm năng du lịch, kinh tế – xã hội,… Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam có khả năng cộng hưởng giá trị, tạo ra động lực phát triển mới cho toàn khu vực với sự hình thành của cụm đô thị liên kết Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam.
Trong đó, TP. Đà Nẵng được định vị là điểm đến của bất động sản cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng. Đặc biệt, với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, Tp. Đà Nẵng sẽ tập trung xây dựng, phát triển dựa trên 3 trụ cột chính là: dulichj, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển…
Không chỉ là trung tâm kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng còn là điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng sở hữu hệ thống bất động sản nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế. Với định hướng quy hoạch này, dự báo thị trường bất động sản du lịch Đà Nẵng sẽ tiếp tục thu hút nhiều chủ đầu tư lớn đến triển khai các dự án cao cấp và hạng sang.
THU HÚT DOANH NGHIỆP LỚN TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC
Nghiên cứu của Savills World Research cũng chỉ rõ Đà Nẵng là một trong những điểm đến hàng đầu của các thương hiệu lớn quốc tế trong lĩnh vực nghỉ dưỡng và khách sạn. Nguồn cung trên thị trường do đó cũng được bổ sung thêm bởi các dự án chất lượng cao.
Năm 2022, thị trường bất động sản Đà Nẵng đang trở nên sôi động hơn nhờ sự tham gia và mở rộng hoạt động của các thương hiệu quốc tế. Tiêu biểu nhất có thể kể đến kế hoạch mở rộng danh mục trên toàn quốc của tập đoàn khách sạn Marriott International. ngoài ra, thị trường cũng sẽ đón nhận thêm lượng lớn dự án nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp từ các thương hiệu lớn như dự án Fusion Resort & Villa, Le Méridien Resort & Spa và The Filmore…
Savills nhìn nhận sự tham gia và mở rộng của các thương hiệu khách sạn, nghỉ dưỡng lớn tại Đà Nẵng là một tín hiệu đáng mừng, khẳng định vị thế lớn của thành phố trên trường quốc tế. Với danh tiếng toàn cầu, những thương hiệu này là cơ sở cần thiết để các nhà đầu tư ngoại quốc đặt niềm tin khi đầu tư các dự án hàng hiệu tại Đà Nẵng. Bên cạnh các thương hiệu quốc tế, những doanh nghiệp lớn của Việt nam như Vin Group, Sun Group, BRG… cũng đang đẩy mạnh hoạt động của mình tại Đà Nẵng.
Nhu cầu về bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt phân khúc hạng sang và cao cấp cũng sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này, Bên cạnh đó, thị trường Đà Nẵng còn sở hữu nhiều tiềm năng đối với các dự án nhà cao tầng.Theo nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, thay vì phát triển theo bề ngang, các khu đô thị hiện hữu sẽ được tái phát triển theo mô hình đô thị nén, nâng cao hệ số sử dụng đất.
Định hướng này được đưa ra với mục đích hạn chế ảnh hưởng tới hệ sinh thái nội và ngoại vùng. Từ đó, Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch ven biển của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Nhiều chuyên gia nhận định, bên cạnh hàng loạt quy hoạch lớn cùng các dự án chỉnh trang, phát triển đô thị được đẩy mạnh triển khai, những tháo gỡ về mặt pháp lý (Nghị định 148, Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020…) thì sự nỗ lực giải quyết những vướng mắc tồn đọng của chính quyền địa phương cũng giúp các doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định pháp luật. Các dự án được thúc đẩy, sẽ tiếp tục góp phần quan trọng làm ấm nền kinh tế và thay đổi diện mạo thành phố Đà Nẵng.
Theo VnEconomy