Ngành du lịch đã quay trở lại thời kỳ sôi động cũng là lúc chủ đầu tư Việt nỗ lực đưa ra giải pháp giúp thị trường nghỉ dưỡng phục hồi. Từ đây, bất động sản nghỉ dưỡng thế hệ mới chính thức xuất hiện với xu hướng phát triển bền vững và có chiều sâu.
Năm 2014, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng dần sôi động tại Việt Nam với đa dạng loại hình sản phẩm mới như shophouse, villa biển, condotel… Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), tính từ giai đoạn 2015 – 2018 có khoảng 30.000 sản phẩm condotel được tung ra thị trường. Đặc điểm chung của giai đoạn này là các chủ đầu tư chạy đua với bài toán cam kết lợi nhuận, dao động từ 8 – 12% mỗi năm, cao hơn hoặc tương đương lãi suất vay ngân hàng và cao gấp đôi lãi suất gửi tiết kiệm.
Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển cao trào, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chững lại. Nguyên nhân chính đến từ việc chủ đầu tư chạy theo bài toán tài chính, lơ là công tác quản lý vận hành. Đại đa số dự án thời kỳ này do đơn vị nội địa tự vận hành. Do thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý và thu hút du khách khiến hiệu quả kinh doanh không tốt, gây khó khăn trong chi trả cam kết lợi nhuận.
Đáng chú ý là thời điểm cuối năm 2019, Cocobay tuyên bố vỡ cam kết lợi nhuận khiến niềm tin của giới đầu tư sụp đổ. Chưa kịp “vực dậy” thì đến 2020 và 9 tháng đầu 2021 thị trường rơi vào trạng thái trầm lắng do ảnh hưởng của Covid-19
Nhiều chuyên gia bất động sản nhận xét, dù đối mặt với không ít khó khăn, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thời kỳ đầu đã hoàn thành sứ mệnh khi thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ, nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của du khách. Đây cũng là tiền đề để các chủ đầu tư tạo ra hình thái nghỉ dưỡng mới với sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Đầu năm 2022, du lịch nội địa phục hồi trở lại. Cùng chính sách mở cửa quốc tế, bất động sản nghỉ dưỡng bắt đầu bứt tốc mạnh mẽ. Đây cũng là thời kỳ bất động sản nghỉ dưỡng có sự khác biệt lớn.
Các chủ đầu tư giảm mức cam kết trong tầm kiểm soát, dao động 5-6% một năm, hoặc không có bài toán cam kết lợi nhuận. Nhiều chủ đẩu tư đẩy mạnh chính sách chia sẻ lợi nhuận với nhiều tỷ lệ khác nhau, cao nhất là khách hàng 90% và đơn vị quản lý 10%.
Mặt khác, bất động sản nghỉ dưỡng thế hệ mới ghi nhận làn sóng thương hiệu ngoại chiếm lĩnh thị phần quản lý vận hành. Các chủ đầu tư lớn lựa chọn “đứng trên vai người khổng lồ” khi bắt tay với thương hiệu danh tiếng toàn cầu như Best Western, Goco Hospitality, AccorHotels, Marriott, InterContinetal…
Chiến lược này được đánh giá cao bởi các thương hiệu kể trên có dịch vụ chuyên nghiệp chuẩn quốc tế, sở hữu hàng trăm chi nhánh trên toàn cầu, cũng là cơ sở vững chắc cho bài toán thu hút du khách bền vững. Đây là yếu tố quan trọng giúp giới đầu tư quay trở lại với thị trường nghỉ dưỡng, bên cạnh sự phục hồi du lịch.
Báo cáo quý I của DKRA ghi nhận, các dự án được vận hành, quản lý bởi đơn vị quốc tế có giá bán cao hơn khoảng 23% so với các dự án được vận hành bởi nội địa. Tỷ lệ giao dịch thành công của các dự án này cũng cao hơn.
Về quy mô, giai đoạn này chứng kiến sự mở rộng của các dự án tỷ USD với quy mô khủng, được đầu tư bài bản theo mô hình tổ hợp “all-in-one” đa tiện ích.
Nếu giai đoạn trước, thị trường nghỉ dưỡng gắn với các thành phố du lịch truyền thống như Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long… hoặc thị trường tiềm năng có đột phá về sân bay như Phú Quốc, Cam Ranh, thì hiện những thị trường có triển vọng secondhome, cách trung tâm kinh tế lớn từ 1-4 giờ di chuyển có sự bùng nổ nguồn cung và sức hấp dẫn.
Với sự điều chỉnh thực tế, “trúng” bản chất của thị trường, bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay được kỳ vọng tạo ra chu kỳ phát triển bền vững cho thị trường bất động sản nói riêng và ngành du lịch Việt nói chung.