Khi đưa ra bức tranh toàn cảnh về phân khúc nhà ở bình dân, các chuyên gia cho rằng nếu phát triển theo tiêu chuẩn xanh, nhà ở bình dân có lợi cho chủ đầu tư, khách hàng và góp phần bảo vệ môi trường.
Theo nhận địch của ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký VNREA, việc chú trọng đầu tư, phát triển phân khúc nhà ở bình dân sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Phân khúc sẽ đảm bảo an sinh xã hội cho người dân cũng như cơ cấu về phát triển nhà ở giá rẻ, bình dân hợp lý, hiệu quả bên cạnh việc phát triển nhà ở cho các phân khúc và đối tượng khác và góp phần phát triển thị trường bất động sản bền vững.
Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, triển vọng thị trường nhà giá thấp về dài hạn có khả năng diễn biến tốt bởi nhu cầu nhà ở bình dân ngày càng cao khi 70% dân số trong độ tuổi lao động, sự phát triển của các gia đình trẻ, nhu cầu tách hộ của các gia đình lớn… Việt Nam có mức độ đô thị hoá nhanh với ước tính khoảng một triệu dân cư đô thị mới tăng lên mỗi năm. Dự báo đến năm 2020, 40% dân số Việt Nam trên tổng số khoảng 100 triệu dân sẽ sống ở khu vực đô thị, thành phố.
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở này, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.
Thời gian qua nhà nước quan tâm đến thị trường nhà giá thấp; một số rào cản được gỡ bỏ và ban hành nhiều ưu đãi. Ngoài ra, nhiều địa phương khuyến khích việc phát triển nhà giá thấp; một số dự án lớn chuyển hướng từ nhà ở thương mại sang nhà giá thấp…
Tuy nhiên, ông Chiến khẳng định nhà ở giá thấp và trung bình là phân khúc lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng nhà ở dân dụng tại nước ta nhưng chưa được quan tâm ứng dụng các thiết kế xanh, công nghệ thông minh và tiết kiệm năng lượng. Trong khi đây lại chính là phân khúc có số người sử dụng nhiều, tiêu tốn nhiều năng lượng nhất.
“Triển khai các giải pháp xanh tại những công trình nhà ở giá thấp và trung bình sẽ tạo nên những cộng đồng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường”
Nếu định hướng sớm ngay từ giai đoạn ý tưởng kèm khai thác tốt các yếu tố thụ động trong kiến trúc, công trình hoàn toàn có tiềm năng đạt hiệu quả cao về năng lượng, nước và vật liệu xây dựng, giúp đạt chứng nhận công trình xanh EDGE mà không làm gia tăng chi phí hoặc chỉ tăng ở mức 1-2%.