Các khu công nghiệp mới liên tục được công bố khắp các tỉnh thành, nhiều dự án trọng điểm bắt đầu hoạt động bất chấp dịch Covid-19 phức tạp.
Báo cáo thị trường bất động sản công nghiệp 6 tháng đầu năm của Savills Việt Nam ghi nhận cuộc đua mở rộng khu công nghiệp đang nóng lên dù đợt dịch lần thứ tư đang diễn biến phức tạp.
Trong nửa đầu năm, nguồn cung đất công nghiệp tăng 9,3% so với cùng kỳ 2020, với hàng chục dự án khu công nghiệp tại 13 tỉnh, thành phố đã được phê duyệt, hứa hẹn cung cấp hàng nghìn ha diện tích đất cho các nhà đầu tư trong vài năm tới.
Bắc Ninh có số lượng dự án lớn nhất với 5 khu công nghiệp sắp triển khai. Đáng chú ý là khu công nghiệp Quế Võ III với diện tích 208,54 ha, có tổng vốn đầu tư 120,87 triệu USD và khu công nghiệp Gia Bình II với diện tích 250 ha (do Tập đoàn Hanaka phát triển) có tổng vốn đầu tư 172,17 triệu USD. Tại miền Trung, Quảng Trị cũng kỳ vọng vào các dự án mới như khu công nghiệp Triệu Phú với tổng diện tích gần 529 ha.
Ngoài ra, khu công nghiệp Quảng Trị có diện tích 481,2 ha, tổng vốn đầu tư 90,17 triệu USD, được phát triển bởi liên doanh 3 nhà đầu tư gồm Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) và Công ty cổ phần Amata City Biên Hòa.
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng kỳ vọng một số khu công nghiệp mới với tổng nguồn cung 500 ha như Sông Lô, Tam Đường 1, Thái Hòa – Liên Sơn – Liên Hòa. Ngoài ra, các dự án mới dự kiến sẽ được phát triển tại Hải Dương, Vĩnh Long, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Nam Định và Nghệ An.
Hòa cùng làn sóng bất động sản công nghiệp phía Bắc và miền Trung, thị trường khu công nghiệp phía Nam cũng sôi động trong nửa đầu năm. Báo cáo thị trường bất động sản công nghiệp quý II của Colliers Việt Nam cho hay, tại miền Nam, Long An công bố trong năm nay sẽ có 4 cụm công nghiệp mới là Vĩnh Khang, Tân Mỹ, Tứ Phương và Hiệp Hòa.
Sau khi hoàn thành, các cụm công nghiệp này sẽ đóng góp thêm gần 200 ha vào diện tích đất công nghiệp sẵn có của tỉnh. Dự kiến kế hoạch phát triển cụm công nghiệp của tỉnh này cho giai đoạn 2021-2030 sẽ được đẩy mạnh hơn nữa để thu hút thêm đầu tư.
Các tỉnh Vĩnh Long, Tây Ninh cũng đang nở rộ các dự án khu công nghiệp trong vòng 6-12 tháng qua, trở thành những vùng khu công nghiệp mới nổi bên cạnh các thủ phủ công nghiệp phía Nam đã định hình và phát triển mạnh mẽ hàng thập kỷ qua như: TP HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai.
Ngay cả tỉnh ít được chú ý là Bình Phước cũng không bỏ lỡ cơ hội bắt nhịp làn sóng bất động sản công nghiệp này. Hiện Bình Phước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha. Trong đó có 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 95%, hai khu công nghiệp mới đi vào hoạt động đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước là Minh Hưng Sikico và Becamex Bình Phước.
Theo các đơn vị khảo sát này, hiện cả nước có 370 khu công nghiệp với tổng diện tích 115.200 ha. Trong đó có 328 khu đang hoạt động ngoài các khu kinh tế, 24 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển và 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu. Các dự án này đã tạo ra khoảng 3,6 triệu việc làm cho người lao động.
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho biết, bất động sản công nghiệp tiếp tục sôi động và là phân khúc “sáng” nhất so với các loại tài sản khác trên thị trường địa ốc trong bối cảnh đại dịch ngày càng diễn biến phức tạp. Bên cạnh đất công nghiệp, nhà xưởng, kho bãi, với đà tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử, mảng dịch vụ hậu cần, logistic cũng hứa hẹn tiềm năng lớn.
CEO Colliers xác nhận, sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc cũng như một loạt Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) được ký kết đã làm tăng nhu cầu về đất công nghiệp trên cả nước. Các khu công nghiệp mới đã được quy hoạch hoặc xây dựng trên khắp các tỉnh thành Bắc, Trung, Nam để đáp ứng nhu cầu này dẫn đến thị trường bất động sản công nghiệp bùng nổ trong thời gian qua bất chấp dịch bệnh.
Tuy nhiên, theo ông David Jackson, nửa cuối năm nay sẽ đặt ra một số thách thức cho Việt Nam khi dịch bệnh lây lan nhanh, xâm nhập vào các khu công nghiệp gây bùng phát lớn trên cả nước.
Mặc dù có nhiều cơ hội nhưng ông David Jackson cho rằng việc thu hút đầu tư nước ngoài vào bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn còn một số điểm nghẽn: cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và chi phí logistics chưa cạnh tranh, một số vấn đề về cơ chế và quy định pháp luật để thu hút các nhà đầu tư lớn. Nếu cải thiện được các điểm yếu này, thị trường có thể phát triển với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn.