Ngày nay, kiến tạo đô thị xanh đang là mong muốn của nhiều nhà quy hoạch. Họ luôn muốn kiến tạo các không gian đổi mới, kiến tạo các giá trị cộng đồng tạo động lực đưa các thành phố Việt Nam trở thành các đô thị xanh đáng sống.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, khái niệm về đô thị xanh còn khá mới, nhiều người vẫn hiểu đô thị xanh là đô thị có nhiều công viên, cây xanh, mặt nước hoặc có thêm việc sử dụng năng lượng bằng pin mặt trời cho các tòa nhà và trồng cây xanh trên mái. Một số khu đô thị ở TP. Hà Nội và TP.HCM được gọi là đô thị sinh thái hay đô thị xanh cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ có nhiều cây xanh, tổ chức không gian công cộng tốt. Điều đó đúng nhưng chưa đủ để một đô thị có thể gọi là đô thị xanh.
Nắm bắt được thực trạng này, giới chuyên gia quy hoạch Việt Nam đã có những trăn trở và nghiên cứu để tiếp thu các yếu tố trong việc kiến tạo đô thị xanh của thế giới và tìm ra giải pháp đổi mới cho các thành phố trong tương lai ở Việt Nam.
Thứ nhất, phát triển đô thị trước hết phải từ các quy hoạch, kế hoạch cụ thể, có thể lường trước. Các quy hoạch đô thị phải đảm bảo chất lượng, tầm nhìn và có cách tiếp cận theo hướng đô thị bền vững như đô thị xanh, đô thị sinh thái.
Thứ hai, cần đưa quan điểm phát triển xanh và tiêu chí xanh vào công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị như cấp thoát nước, xử lý nước thải, cung cấp năng lượng, viễn thông, mạng lưới giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và không gian xanh đô thị.
Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị xanh với hệ thống giao thông xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, đổi mới và sử dụng công nghệ, kỹ thuật, vật liệu sách. Đồng thời, tiếp cận ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học công nghệ trong phát triển công trình xanh, đô thị xanh.
Các phương pháp tiếp cận đến đô thị xanh là một lựa chọn quan trọng của đô thị phát triển hướng tới mực tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Cùng với đó là giải pháp hạ tầng kỹ thuật và giao thông theo hướng hạ tầng xanh, phát triển giao thông công cộng hạn chế khí thải CO2. Với mạng lưới giao thông hợp lý, đô thị phát triển tập trung hơn sẽ tạo cho các dịch vụ cung cấp hạ tầng kỹ thuật cho đô thị hoạt động hiệu quả và giảm được chi phí năng lượng để vận hành. Cấu trúc của hệ thống giao thông đô thị sẽ quyết định tới khả năng khia thác và sử dụng đất, đồng thời cơ cấu sử dụng đất sẽ quyết định tới nhu cầu đi lại. Đặc biệt, để phát triển một đô thị xanh, điều kiện tiên quyết chính là ngay trong công tác quy hoạch cần phải có sự thống nhất và định hướng rõ nhằm đem lại hiệu quả cao, quy định quỹ đất cây xanh và mặt nước hay trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hướng tới tính tiện ích và hiện đại, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt đi lại của người dân, việc tuyên truyền, vận động khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia phát triển đô thị xanh, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường sống cũng là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển đô thị xanh.