Ghi nhận giá đất ngoại thành Hà Nội chững lại và giảm dần sau cơn “sốt đất”, một số nơi vẫn được rao bán với giá cao chót vót
Giá đất một số nơi vẫn cao chót vót khi thị trường qua cơn “sốt”
Cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, sau khi thông tin hàng loạt huyện ngoại thành Hà Nội sẽ lên quận và việc công bố các đồ án quy hoạch đô thị khiến cho thị trường các quận, huyện nói trên nổi cơn “sốt đất” trên diện rộng, kéo theo việc giá đất nền tăng vụt, vượt ngưỡng dự đoán của các chuyên gia bất động sản (BĐS).
Tuy nhiên, khi cơn “sốt đất” qua đi, thị trường đất nền trong hơn tháng gần đây lại bước vào thời kì ảm đạm khiến một số nhà đầu tư nhỏ lẻ đã bắt đầu rao bán đất nền dự án, đất thổ cư với mức giá thấp hơn rất nhiều so với thời kì “sốt đất” vì quá sốt ruột, sợ chôn vốn. Mặc dù vậy, vẫn có một số nơi giá đất dự án, đất thổ cư ít giao dịch nhưng vẫn được rao bán với giá cao chót vót.
Nhà đầu tư chuyển hướng bán đất sang xây nhà
Mặc dù giá đất ở vị trí đắc địa tại một số quận, huyện Hà Nội nêu trên không có sự dao động mạnh so với thời kì “sốt đất”. Do đó, không ít NĐT bắt đầu cẩn trọng hơn trong việc chi tiền đầu tư.
Mặt khác, thay vì bán đất nền thổ cư, nhiều NĐT lại chuyển sang hình thức bỏ vốn xây dựng nhà để bán. Vì theo giới kinh doanh, việc tách đất thổ cư thành các lô, xây sẵn căn nhà 3-5 tầng bán, NĐT có thể sớm hoàn vốn mà lại có tỷ suất sinh lời hơn khi giá đất đang chững.
Vậy ai được lợi từ các cơn sốt đất nhất thời và cục bộ này? Trong trường hợp này, có thể xảy ra 3 kịch bản: kịch bản 1 là quy hoạch được phê duyệt, các dự án đầu tư được tiến hành, khi đó giá đất tăng lên là phù hợp, ví dụ như TP Thủ Đức tại TP Hồ Chí Minh; kịch bản 2 là quy hoạch không được phê duyệt, không có gì thay đổi, giá đất vẫn như xưa, ví dụ như ở Ba Vì tại Hà Nội trước đây; kịch bản 3 là sốt đất cục bộ trở thành sốt đất dài hơi trên toàn thị trường do quản lý không tốt, ví dụ như thị trường BĐS nước ta giai đoạn 2006 – 2008.
Sốt đất hiện nay đã tạm lắng khi nhiều đề xuất quy hoạch không được chấp thuận, khu vực quản lý đã thực hiện nhiều giải pháp “cắt sốt” như tuyên truyền phổ biến thông tin quy hoạch và pháp lý, giải tán các chợ cóc BĐS, và quan trọng nhất là Ngân hàng Nhà nước đã siết chặt việc quản lý nguồn tín dụng cho vay kinh doanh BĐS. Đặc biệt, khi luồng vốn chảy vào thị trường BĐS được kiểm soát thì kịch bản 3 chắc chắn không thể xảy ra. Tức là sốt đất hiện nay không thể chuyển thành tình trạng dài hơi trên toàn thị trường.