Western Homes – Theo Forbes, cầu vượt cung là một trong số lý do giá bất động sản tại một số thành phố lớn tại Việt Nam duy trì đà tăng.
“Giá thuê văn phòng tăng vào năm 2020? Tăng trưởng GDP khả quan trong thời kỳ khủng hoảng sức khỏe toàn cầu? Có vẻ không tưởng, trừ khi bạn sống ở Việt Nam”, Philip Heller, nhà điều hành của công ty đầu tư có trụ sở New York Duo Holdings, ví von trên Forbes khi bàn về tình hình bất động sản tại dải đất hình chữ S.
Vị này nêu ra, Việt Nam đã vượt qua tất cả các đối thủ trong khu vực về kinh tế khi tăng trưởng GDP đạt 2,9%. Nhờ đó, thị trường bất động sản Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế dẫn dắt giá bất động sản tăng lên. Theo vị này, khi các nhà máy mở cửa và các dự án xây dựng trở lại, thị trường địa ốc Việt Nam tiếp tục khởi sắc.
Theo Forbes, “ngôi sao” của thị trường bất động sản Việt Nam là bất động sản công nghiệp, vốn hưởng lợi từ sự bùng nổ sản xuất. Trong những năm gần đây, các công ty như Nike, Adidas và Samsung đã chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc và sang Việt Nam do chi phí sản xuất ngày càng tăng của Trung Quốc và chiến tranh thương mại với Mỹ. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 435% từ năm 2010 đến năm 2020. Thị trường cũng đã phản ứng với nhu cầu sản xuất gia tăng, khi giá thuê khu công nghiệp tại TP HCM tăng 9% trong năm 2019 và sau đó là 10,6% vào năm đại dịch 2020, theo Cushman & Wakefield.
Đối với phân khúc nhà ở Việt Nam, thị trường cũng có mức tăng trưởng mà Forbes gọi là “chưa từng có trong những năm gần đây”. Nhu cầu căn hộ tràn lan đã vượt quá nguồn cung, với nhiều dự án mới bán hết ngay sau khi mở bán. Theo Cushman & Wakefield, giá căn hộ tại TP HCM đã tăng theo phản ứng thị trường và tăng “đáng kinh ngạc” 90% từ năm 2017 đến năm 2020. Riêng năm ngoái, giá căn hộ tăng 12,8%.
Forbes chỉ ra, nhu cầu từ các nhà đầu tư nước ngoài chỉ là một trong những yếu tố thúc đẩy thị trường, phần lớn sự tăng trưởng của bất động sản nhà ở đến từ người dân Việt Nam. Do đó, phát triển kinh tế của đất nước cùng với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu là những động lực thúc đẩy nhu cầu chính cho thị trường nhà ở đang mở rộng, với rất ít dấu hiệu cho thấy sự chững lại.
Giống như phần còn lại của thế giới, năm 2020 đã tàn phá thị trường khách sạn của Việt Nam, với công suất thuê dao động trong khoảng 20-30% trong phần lớn thời gian của năm. Nhưng theo Forbes, triển vọng của bất động sản nghỉ dưỡng vẫn mạnh mẽ do ngành du lịch của Việt Nam vốn đang bùng nổ từ trước đại dịch. Lượng khách quốc tế tăng từ 3,8 triệu trong năm 2009 lên hơn 18 triệu vào năm 2019. Kinh tế phát triển dẫn đến việc đi công tác gia tăng, trong khi Việt Nam đang trở thành một điểm đến được săn đón của người nước ngoài.
Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích sự tăng trưởng này bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng du lịch như sân bay Long Thành đã khởi công gần TP HCM với tổng vốn đầu tư 4,7 tỷ USD, trong khi Đà Nẵng mở thêm nhà ga quốc tế mới. Gần đây, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội khuyến nghị thành phố bắt đầu chuẩn bị xây dựng sân bay thứ hai để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong thập kỷ tới.